JIT trong sản xuất hiện đại
JIT là mô hình sản xuất tinh gọn mang lại rất nhiều giá trị và ý nghĩa trong sản xuất hiện đại. JIT bắt nguồn từ Nhật Bản nhưng đã được áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về mô hình này trong bài viết dưới đây của Alphavina.
Khái niệm JIT
JIT là viết tắt của “Just In Time”, nghĩa là “sản xuất tức thời|. Có thể tóm gọn chiến lược JIT là: Sản xuất “đúng sản phẩm với đúng số lượng tại đúng nơi vào đúng thời điểm” nhằm mục tiêu “tồn kho bằng không, thời gian chờ đợi bằng không, chi phí phát sinh bằng không”.
JIT là hệ thống điều hành sản xuất trong đó các luồng nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa và sản phẩm được lập kế hoạch chi tiết từng bước trong quá trình sản xuất và phân phối sao cho đúng với số lượng mà quy trình, công đoạn tiếp theo cần tới. Điều đó đảm bảo không có hạng mục nào trong quy trình sản xuất rơi vào tình trạng thừa thãi, chờ xử lý. JIT còn có thể áp dụng cho cả việc bán hàng. Số lượng hàng bán ra sẽ khớp với số lượng hàng hóa sản xuất ra, tránh tồn kho và tồn đọng vốn không cần thiết.
Những năm 1930, hãng Ford lần đầu tiên áp dụng hệ thống dây chuyền lắp ráp, một dạng sơ khai của JIT. Phải đến năm 1970, Ohno Taiichi của Toyota mới phát triển và hoàn thiện mô hình JIT, khái quát nó thành lý thuyết được áp dụng rộng rãi trên khắp thế giới đến tận bây giờ.
Bản chất và ý nghĩa của JIT
Bản chất của JIT đó là:
- Sản xuất đúng những gì khách hàng cần, vào đúng thời điểm và đúng số lượng mà khách hàng mong muốn. Ngay sau khi khách hàng đặt mua sản phẩm, sản phẩm sẽ được sản xuất và bổ sung ngay lập tức. Nếu khách hàng không mua, hàng còn tồn trong kho (số lượng tối thiểu) thì sẽ không được sản xuất hay bổ sung.
- Trung bình hóa yêu cầu của khách hàng để mọi nguồn lực trở nên trung bình hóa và ổn định trong toàn bộ nhà máy
- Tất cả các công đoạn phải được nối với nhau bằng một công cụ quản lý trực quan đơn giản
- Tối đa tính linh động về nguồn nhân lực và máy móc
Ý nghĩa chính mà JIT mang lại cho doanh nghiệp đó là:
- Giảm tối đa hiện tượng tồn kho, ứ đọng vốn: Hàng hóa được sản xuất theo nhu cầu của khách hàng, không sản xuất dư thừa nên giảm hiện tượng tồn kho, giảm chi phí đầu tư cho kho bãi, chi phí xử lý hàng tồn, hàng lỗi mốt.
- Giảm diện tích kho bãi, không gian sản xuất: nguyên vật liệu, bán thành phẩm được lưu chuyển liên tục theo quy trình sản xuất nên không tốn diện tích kho bãi dự trữ.
- Tăng chất lượng sản phẩm: Mỗi công đoạn công nhân đều phải kiểm tra bán thành phẩm từ giai đoạn trước, nếu đạt yêu cầu mới tiếp tục công đoạn tiếp theo. Quy trình chặt chẽ này giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, giảm tối đa tỷ lệ lỗi hỏng.
- Giảm phế liệu, sản phẩm lỗi
- Tăng năng suất do giảm thời gian chờ đợi: những công việc không tạo ra giá trị bị loại bỏ, không có thời gian chờ đợi giữa các giai đoạn giúp tạo ra năng suất thực.
- Linh hoạt trong thay đổi quy trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm: Bất cứ nhu cầu nào của khách hàng về sản phẩm đều có thể đáp ứng được ngay.
- Nhân viên có cơ hội phát triển năng lực: Công nhân được tham gia sâu vào việc cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mỗi nhân viên có trách nhiệm nhiều hơn trong công việc của chính mình
- Giảm lao động gián tiếp: Các công đoạn được chuyên môn hóa sẽ giảm những lao động dư thừa không trực tiếp tham gia sản xuất.
- Giảm áp lực của khách hàng
Mục tiêu của JIT
Ba mục tiêu chính của JIT đó là:
- Tồn kho (nguyên vật liệu và thành phẩm) bằng 0: JIT tính toán chính xác đầu vào và đầu ra, giảm lãng phí vật tư trong quá trình sản xuất. JIT hạn chế tồn kho cả nguyên vật liệu và thành phẩm, vừa tiết kiệm được mặt bằng vừa giảm nhân công, chi phí vận chuyển, lưu kho.
- Thời gian chờ đợi trong dây chuyền sản xuất bằng 0: JIT đảm bảo dòng dịch chuyển đều đặn, liên tục trong suốt hệ thống, giảm thời gian chờ đợi giữa các công đoạn và làm thời gian thực hiện càng ngắn càng tốt.
- Chi phí phát sinh ngoài kế hoạch bằng 0: Từng khâu trong quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ, chủ động phát hiện lỗi sai từ khâu trước và loại bỏ khỏi dây chuyền, nhờ đó giảm lãng phí do phế phẩm, sản xuất dư thừa.
Điều kiện áp dụng JIT
- JIT áp dụng hiệu quả nhất với doanh nghiệp có hoạt động sản xuất mang tính chất lặp đi lặp lại, ổn định, nhất quán.
- Chất lượng máy móc và tay nghề nhân công đồng đều, kiểm soát được lỗi. Nếu một khâu có hư hỏng, sai sót thì tất cả quy trình cũng phải dừng lại và chờ đợi, dẫn đến tình trạng trì trệ.
- Toàn bộ chuỗi cung ứng cần được đồng bộ hoàn hảo
- Nhà sản xuất phải dự báo chính xác nhu cầu của mỗi công đoạn trong quy trình, đầu vào và đầu ra, lên kế hoạch sản xuất hợp lý. Đồng thời xác định được nhu cầu của khách hàng.
Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro, hệ thống JIT bị gián đoạn khi nguồn cung đứt gãy, tăng giá, số lượng đơn đặt hàng của khách hàng tăng đột biến hoặc các yếu tố phát sinh về thời tiết, dịch bệnh, chính trị gây ảnh hưởng đến quy trình sản xuất.
Để JIT thành công, doanh nghiệp cần kết hợp nhiều biện pháp:
- Áp dụng dây chuyền luồng 1 sản phẩm: sản phẩm được vận chuyển theo quy trình sản xuất chứ không phải theo bộ phận chuyên môn.
- Khả năng tự kiểm lỗi: công đoạn sau có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu bán sản phẩm của công đoạn trước được chuyển đến trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Những gì không đạt yêu cầu sẽ bị loại ngay ra khỏi dây chuyền và báo cho toàn bộ hệ thống để điều chỉnh kịp thời.
- Bình chuẩn hóa: Phân bố công việc đều đặn mỗi ngày, tránh tình trạng ngày quá bận, ngày quá ít việc.
- Cải tiến liên tục – Kaizen: cần xem xét, giám sát thường xuyên quy trình sản xuất, tìm ra những vấn đề và đưa ra các giải pháp tối ưu.
Thực tế triển khai JIT tại các doanh nghiệp sản xuất thiết bị ở Việt Nam
Mỗi doanh nghiệp có thể ứng dụng phương pháp JIT khác nhau tùy thuộc vào điều kiện, quy mô nhưng có thể tóm tắt bằng 8 giai đoạn:
- Thiết kế: Thiết kế sản phẩm, quy trình, xây dựng các bộ phận sản xuất, sắp xếp nhân sự, đưa ra các kế hoạch loại bỏ sự gián đoạn, lãng phí.
- Quản lý: Xem xét, đánh giá liên tục suốt quá trình sản xuất để kiểm soát hiệu quả, chất lượng, đưa ra giải pháp tối ưu.
- Đào tạo: Tối ưu đội ngũ sản xuất về phương pháp sản xuất, quy trình sản xuất.
- Thiết lập: Tạo dựng mối quan hệ với nhà cung cấp nguyên vật liệu, xây dựng các kịch bản sản xuất và đàm phán số lượng tối thiểu – tối đa mà nhà cung cấp có thể đáp ứng.
- Hiệu chỉnh: xác định nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất, kiểm tra toàn bộ chính sách và đưa ra giải pháp giảm thiểu tối đa hàng tồn kho.
- Triển khai: Thông báo, hướng dẫn, trao quyền cho các nhân viên trong hệ thống, tiếp tục thảo luận, tìm kiếm các khả năng cải tiến, tối ưu sản xuất.
- Tinh chỉnh: Điều chỉnh số lượng trang thiết bị, nhân công cho phù hợp theo hướng tinh gọn tối đa.
- Xem xét: Xác định các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất để tìm ra nguyên nhân gốc rễ, cải thiện chúng để giảm thiểu tối đa thời gian chờ và vật liệu tồn kho.
Trong thị trường cạnh tranh cao, nhu cầu của khách hàng không ngừng thay đổi, JIT là phương pháp quản trị hiệu quả hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh do giảm được chi phí sản xuất, chi phí tồn kho, tỉ lệ lỗi hỏng. Mô hình này có thể áp dụng hiệu quả cho nhiều loại hình doanh nghiệp, không chỉ trong ngành sản xuất thiết bị mà kể cả ngành may mặc, chế biến thực phẩm, dược phẩm… Các doanh nghiệp áp dụng JIT trở nên linh hoạt, dễ dàng thích ứng với sự biến động của thị trường.
Bài viết trên đây của Alphavina đã cung cấp những thông tin cơ bản về JIT. Đây là một phương thức quản trị sản xuất có nhiều ưu điểm rất đáng để học hỏi và áp dụng linh hoạt, giúp tối ưu hóa chi phí và hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp.
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN THIẾT BỊ ALPHA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 01-LK31, TDP Quang Minh, Phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 9, Tổ Dân Phố Chợ, Phường Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Số điện thoại: 0929640863
Tel:(+84)2438399555
Email: info@alphavina.com